Vừa làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa làm người đại diện theo ủy quyền trong vụ án hành chính được không?
Mục Lục Bài Viết
(TVPL) Một đương sự có thể vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền hay không?
Vừa làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa làm người đại diện theo ủy quyền trong vụ án hành chính được không?
Theo Mục 3 Công văn 207/TANDTC-PC năm 2024 hướng dẫn giải đáp câu hỏi: “Một đương sự có thể vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền hay không?” như sau:
– Đối với người bị kiện: Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình làm người đại diện theo ủy quyền; người bị kiện có thể yêu cầu bất kỳ người nào thuộc trường hợp được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015 làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Do đó, trường hợp này người bị kiện chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó của mình vừa làm người đại diện, vừa làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
– Đối với người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Pháp luật không cấm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự làm đại diện theo ủy quyền của chính đương sự đó; đồng thời, không cấm người đại diện theo ủy quyền của đương sự được tham gia là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Do đó, một đương sự có thể vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền cho mình nếu người đó thuộc trường hợp được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015, không thuộc trường hợp không được làm người đại diện theo ủy quyền theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Ai được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự?
Theo khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
– Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
– Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
– Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có kiến thức pháp lý, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền, nghĩa vụ nào?
Theo khoản 6 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền, nghĩa vụ như sau:
– Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng hành chính;
– Thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật tố tụng hành chính 2015;
– Tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc trong trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét;
– Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Luật này;
– Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo trong trường hợp được đương sự ủy quyền và có trách nhiệm chuyển cho đương sự;
– Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa;
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án;
– Nộp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để Tòa án gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật tố tụng hành chính 2015;
– Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án;
– Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng;
– Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng;
– Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
𝐌𝐊𝐋𝐀𝐖
𝟙𝟟𝟟 𝕋𝕣𝕦̛𝕟𝕘 ℕ𝕦̛̃ 𝕍𝕦̛𝕠̛𝕟𝕘, 𝔻𝕒 ℕ𝕒𝕟𝕘, 𝕍𝕚𝕖𝕥𝕟𝕒𝕞
+̲8̲4̲ ̲7̲7̲ ̲3̲1̲1̲ ̲2̲2̲3̲3̲
lawmk.minhkhanh@gmail.com / mklawdn@gmail.com
𝒎𝒌𝒍𝒂𝒘.𝒄𝒐𝒎.𝒗𝒏