8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Người đại diện pháp luật cũ có bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế?

Người đại diện pháp luật cũ có bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế?

(1) Người đại diện pháp luật cũ có bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế?

Về vấn đề này, ngày 18/9/2024, Tổng Cục thuế đã có Công văn 4136/TCT-QLN về nộp dần tiền thuế nợ và tạm hoãn xuất cảnh, theo đó, Tổng Cục thuế có hướng dẫn như sau:

Tại khoản 5 Điều 36 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt nam 2019 quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh như sau:

“Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.

Đồng thời, tại khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:

  • Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
  • Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
  • Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Từ những quy định nêu trên, có thể thấy, trường hợp cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mà đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thì thuộc một trong những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.

Còn đối với trường hợp có đủ căn cứ để xác định tại thời điểm cơ quan thuế ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cá nhân này không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thì cá nhân đó không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.

(2) Trường hợp nào được hủy bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh?

Căn cứ Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp như sau:

  • Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
  • Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
  • Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
  • Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định. Trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác.

Theo đó, cá nhân sẽ được hủy bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh khi thuộc một trong các trường hợp như đã nêu trên.

𝐌𝐊𝐋𝐀𝐖
🏢 𝟙𝟟𝟟 𝕋𝕣𝕦̛𝕟𝕘 ℕ𝕦̛̃ 𝕍𝕦̛𝕠̛𝕟𝕘, 𝔻𝕒 ℕ𝕒𝕟𝕘, 𝕍𝕚𝕖𝕥𝕟𝕒𝕞
☎️ +̲8̲4̲ ̲7̲7̲ ̲3̲1̲1̲ ̲2̲2̲3̲3̲
📧 lawmk.minhkhanh@gmail.com / mklawdn@gmail.com
🌐 𝒎𝒌𝒍𝒂𝒘.𝒄𝒐𝒎.𝒗𝒏

mklaw

No Comments

Leave a Comment