Con ở nhà của cha mẹ nhưng đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy tố “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”?
TVPL
Ngày 10/9/2023, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn 163/TANDTC-PC giải đáp vướng mắc trong xét xử, trong đó có giải đáp về trường hợp con ở nhà của cha mẹ nhưng đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy tố “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” không?
1. Con ở nhà của cha mẹ nhưng đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy tố “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”?
Theo đó, tại Mục I.7 Công văn 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 nêu rõ:
“Một người có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 của Bộ luật Hình sự năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp con ở cùng nhà với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự không?
Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không quy định xâm phạm chỗ ở của người khác trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trường hợp con ở chung với cha mẹ mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thì hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ” theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Như vậy, trong trường hợp con ở cùng nhà với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu về Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ”.
2. Dấu hiệu pháp lý tội phạm ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ
Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ là hành vi của một người đối xử tồi tệ hoặc bạo lực xâm phạm đến thân thể cha, mẹ đến mức thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc tuy đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó rồi mà vẫn tiếp tục vi phạm.
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm như sau:
– Khách thể của tội phạm:
Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ xâm phạm đến quan hệ gia đình, xâm phạm thuần phong, mỹ tục trong quan hệ gia đình truyền thông, ngoài ra còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại.
– Chủ thể của tội phạm:
Về độ tuổi: Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ là tội phạm ít nghiêm trọng nên những người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Về năng lực chịu TNHS: Chủ thể của tội này phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.
Đồng thời, chủ thể của tội này phải là người có quan hệ gần gũi (cha, mẹ) đối với người bị hại.
– Mặt chủ quan của tội phạm:
Về lỗi: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thân và mong muốn thực hiện hành vi đó.
Về mục đích, động cơ: Các dấu hiệu về mục đích, động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
– Mặt khách quan của tội phạm:
Về hành vi: Có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha, mẹ như đối xử tệ về ăn, mặc, ở và các mặt sinh hoạt hàng ngày khác; hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,… làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần,…
Về hậu quả: Làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, tinh thần, bị tổn thất về danh dự hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe.
Trong trường hợp gây thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người thì tùy trường hợp có thể cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Vô ý làm chết người, Giết người hoặc Bức tử.
3. Bản án về tội hành hạ cha mẹ (chửi bới, dùng vũ lực, đập phá tài sản và đuổi cha mẹ khỏi nhà)
Tại Bản án về tội cố ý làm hư hỏng tài sản và hành hạ cha mẹ số 98/2021/HS-ST do Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai xét xử có nội dung tóm tắt như sau:
“Nguyễn Thượng T là con ruột của ông Nguyễn Thượng T1 và bà Lê Thị T2. Vào khoảng năm 2012 giữa T và vợ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn nên T chán nản, sống buông thả, thường xuyên xin tiền ông T1, bà T2 để ăn nhậu. Đến khoảng đầu năm 2019, thấy T không chịu lo làm ăn, thường xuyên ăn nhậu nên ông T1, bà T2 không cho tiền thì T thường xuyên dùng lời lẽ thô tục để chửi bới, thóa mạ cha mẹ. Hành vi của T đối với cha mẹ ngày càng thường xuyên và có tính chất nghiêm trọng hơn như đe dọa, dùng vũ lực hành hung cha mẹ, thậm chí đập phá tài sản mỗi khi ông T1, bà T2 không cho tiền T tiêu xài làm cho ông T1, bà T2 đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, luôn sống trong căng thẳng, lo sợ và mệt mỏi, khủng hoảng về tinh thần trong khoảng thời gian dài.
Vào ngày 06/3/2021, T đi nhậu về rồi yêu cầu ông T1, bà T2 đưa tiền đi ăn xài nhưng ông bà không đồng ý. T bực tức, liên tục dùng lời nói thô lỗ để chửi bới, xúc phạm cha mẹ mình “Đ.M tụi mày, tao giết tụi mày” rồi xông đến đuổi đánh, dùng tay vặn cổ tay bà T2 tại phòng khách nhưng không gây thương tích. Ông T1 bị T dùng tay tát nhiều cái vào mặt nhưng không gây thương tích. Không chịu nổi hành vi của T cũng như sợ T tiếp tục hành hung, đánh đập nên ông T1 cùng bà T2 và N đã bỏ đi, sang nhà của bà Nguyễn Thị T3 (chị ruột ông T1) ở nhờ. Ngày hôm sau, bà T2 về thì bị T đuổi, đe dọa đánh “Đ.M mày biến đi, không tao giết chết” nên ông T1, bà T2 lo sợ, ở luôn lại nhà bà T3.
Sau sự việc xảy ra ông T1 đã đến Công an xã SC làm đơn tố cáo, Công an xã SC lập hồ sơ chuyển Công an huyện Xuân Lộc xử lý theo quy định.
Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Thượng T phạm tội: “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Hành hạ cha mẹ”.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thượng T – 06 (Sáu) tháng tù về tội: “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và 10 (Mười) tháng tù về tội: “Hành hạ cha mẹ”. Tổng hợp hình phạt chung là 01 (Một) năm 04 (bốn) tháng tù.
𝐌𝐊𝐋𝐀𝐖
𝟙𝟟𝟟 𝕋𝕣𝕦̛𝕟𝕘 ℕ𝕦̛̃ 𝕍𝕦̛𝕠̛𝕟𝕘, 𝔻𝕒 ℕ𝕒𝕟𝕘, 𝕍𝕚𝕖𝕥𝕟𝕒𝕞
+̲8̲4̲ ̲7̲7̲ ̲3̲1̲1̲ ̲2̲2̲3̲3̲
lawmk.minhkhanh@gmail.com / mklawdn@gmail.com
𝒎𝒌𝒍𝒂𝒘.𝒄𝒐𝒎.𝒗𝒏