8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Tư vấn pháp luật  > Luật doanh nghiệp  > Khai thuế giá trị gia tăng

Khai thuế giá trị gia tăng

(PLDN) Việc khai thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh (gồm kỳ khai thuế, hồ sơ khai thuế, thời hạn và địa điểm nộp hồ sơ khai thuế) được quy định cụ thể như sau:

1. Các trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải kê khai thuế GTGT

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) là doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh và doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT, cụ thể:

– Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2020 và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư 2020.

– Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì doanh nghiệp, hộ kinh doanh mua dịch vụ là người nộp thuế GTGT, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nêu tại Mục 2 bên dưới.

– Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

2. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT trong trường hợp:

(i) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A nhận được khoản bồi thường thiệt hại do bị hủy hợp đồng từ doanh nghiệp B là 50 triệu đồng thì doanh nghiệp A lập chứng từ thu và không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền trên.

Lưu ý:

– Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

– Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

(ii) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật.

(iii) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ví dụ 2: Công ty cổ phần P thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp. Đến tháng 3/2014, dự án đầu tư đã hoàn thành được 90% so với đề án thiết kế và giá trị đầu tư là 26 tỷ đồng. Do gặp khó khăn về tài chính, Công ty cổ phần P quyết định chuyển nhượng toàn bộ dự án đang đầu tư cho Công ty cổ phần X với giá chuyển nhượng là 28 tỷ đồng. Công ty cổ phần X nhận chuyển nhượng dự án đầu tư trên để tiếp tục sản xuất cồn công nghiệp. Công ty cổ phần P không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với giá trị dự án chuyển nhượng cho Công ty cổ phần X.

(iv) Doanh nghiệp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT (trên hóa đơn GTGT, phải ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ).

Lưu ý:

– Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.

– Hộ kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

(v) Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh có tài sản cố định điều chuyển phải có Quyết định hoặc Lệnh điều chuyển tài sản kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.

Trường hợp tài sản cố định khi điều chuyển đã thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản hoặc điều chuyển cho cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì phải lập hóa đơn GTGT, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

(vi) Các trường hợp khác:

Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:

– Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.

– Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.

Trường hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một cơ sở kinh doanh thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải xuất hóa đơn GTGT và kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định, trừ trường hợp (v) nêu trên.

– Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm.

– Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.

– Doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thủy; đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đại lý bán bảo hiểm.

– Doanh thu hàng hóa, dịch vụ và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT.

(vii) Đồng thời, theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP), doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT trong trường hợp:

– Doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Xem chi tiết tại công việc Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng).

Ví dụ 3: Hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Do đó, hộ kinh doanh chỉ có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ này (từ 100 triêu đồng trở xuống) thì hộ kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai thuế và tiền thuế GTGT.

– Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu.

– Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) hoặc thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo thông báo, yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong thời gian này, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT, trừ trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

(Xem hướng dẫn chi tiết tại Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

– Doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

3. Cách xác định kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, kỳ kê khai thuế GTGT của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được xác định như sau:

(i) Đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng:

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khai thuế GTGT theo tháng, trừ trường hợp phải khai thuế GTGT theo từng lần phát sinh, theo quý, theo năm nêu bên dưới.

(ii) Đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý:

– Thuế GTGT đối với tổ chức tín dụng hoặc bên thứ ba được tổ chức tín dụng ủy quyền khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý khai thay cho người nộp thuế có tài sản bảo đảm.

– Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đáp ứng tiêu chí say đây và lựa chọn khai theo quý:

+ Doanh nghiệp thuộc diện khai thuế GTGT theo tháng nếu có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống; hoặc

+ Doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.

Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định: là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế GTGT của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

(iii) Đối tượng kê khai thuế GTGT theo năm:

Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán khai thuế GTGT theo năm.

(iv) Đối tượng kê khai thuế GTGT theo từng lần phát sinh:

– Thuế GTGT của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT (nêu tại trường hợp (vii) của Mục 2 nêu trên) nhưng có phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

– Thuế GTGT của doanh nghiệp thực hiện khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng nhưng có phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

– Thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải khai theo từng lần phát sinh thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

– Thuế GTGT không phát sinh thường xuyên của doanh nghiệp áp dụng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng, trừ trường hợp doanh nghiệp trong tháng phát sinh nhiều lần thì được khai theo tháng.

– Thuế GTGT của hộ kinh doanh không có địa điểm kinh doanh cố định và kinh doanh không thường xuyên.

Một vài lưu ý khi xác định kỳ kê khai thuế GTGT:

Doanh nghiệp có trách nhiệm tự xác định mình thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định:

– Nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.

– Nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang thực hiện khai thuế theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi Văn bản đề nghị – Mẫu 01/ĐK-TĐKTT (quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC) đề nghị thay đổi kỳ tính thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 31/01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý. Nếu sau thời hạn này, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không gửi văn bản đến cơ quan thuế thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch.

– Trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý – Mẫu 02/XĐ-PNTT (quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC) và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.

– Trường hợp cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp, hộ kinh doanh không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.

4. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng

4.1. Hồ sơ khai thuế GTGT đối với doanh nghiệp

Hiện nay, có 02 phương pháp tính thuế GTGT đó là phương pháp tính thuế trực tiếp và phương pháp khấu trừ. Theo Mục 2 của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, hồ sơ khai thuế GTGT của doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào phương pháp tính thuế GTGT mà doanh nghiệp áp dụng. Cụ thể như sau:

(i) Hồ sơ khai thuế GTGT đối với phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu

Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu, dù doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế GTGT theo tháng hoặc quý hoặc theo từng lần phát sinh thì đều phải nộp:

Tờ khai thuế giá trị gia tăng – Mẫu số 04/GTGT (ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).

(ii) Hồ sơ khai thuế GTGT đối với phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng

Doanh nghiệp có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý phải tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT và thực hiện kê khai theo tháng/quý thì nộp:

Tờ khai thuế giá trị gia tăng – mẫu số 03/GTGT (ban hành theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).

(iii) Hồ sơ khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ

– Hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng, quý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh:

Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT (phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC): áp dụng với doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phụ lục bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động sản xuất thủy điện – Mẫu số 01-2/GTGT (ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC).

Phụ lục bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán – Mẫu số 01-3/GTGT (ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC).

Phụ lục bảng phân bổ thuế GTGT phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu – Mẫu số 01-6/GTGT trừ hoạt động sản xuất thủy điện, hoạt động kinh doanh xổ số điện toán (ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC).

Tờ khai thuế GTGT tạm nộp trên doanh thu theo Mẫu 05/GTGT (phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC): áp dụng đối với doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh khác địa bàn nơi có trụ sở nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

– Hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng, quý đối với dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế:

Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu 02/GTGT (phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC): áp dụng đối với doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế.

Lưu ý đối với hồ sơ khai thuế GTGT của doanh nghiệp:

Theo khoản 2 Điều 7 và điểm b, c khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, đối với doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh doanh thì thực hiện khai chung trên một hồ sơ khai thuế GTGT, trừ các hoạt động sau đây thì phải lập hồ sơ khai thuế GTGT riêng cho từng hoạt động này:

– Hoạt động xổ số kiến thiết, hoạt động xổ số điện toán.

– Hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.

– Hoạt động thu hộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

– Có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế GTGT: phải lập hồ sơ khai thuế GTGT riêng cho từng dự án đầu tư; đồng thời phải bù trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho từng dự án đầu tư với số thuế GTGT phải nộp (nếu có) của hoạt động, kinh doanh đang thực hiện cùng kỳ tính thuế.

– Doanh nghiệp được giao quản lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ chức nhưng không thành lập pháp nhân riêng thì thực hiện khai thuế riêng đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác kinh doanh.

– Hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) mà nơi có hoạt động khác tỉnh, thành phố với nơi doanh nghiệp có trụ sở chính 

– Có nhà máy sản xuất điện khác tỉnh, thành phố với nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp.

4.2. Hồ sơ khai thuế GTGT đối với hộ kinh doanh

Căn cứ theo Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hồ sơ khai thuế GTGT của hộ kinh doanh được quy định như sau:

(i) Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai:

– Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh – Mẫu số 01/CNKD (ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).

– Phụ lục Bảng kê hoạt động kinh doanh trong kỳ của hộ kinh doanh – Mẫu số 01-2/BK-HĐKD (ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC). Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải nộp Phụ lục Bảng kê mẫu số 01-2/BK-HĐKD này.

(ii) Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh:

 Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh – Mẫu số 01/CNKD (ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).

– Các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh gồm:

+ Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

+ Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.

+ Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất;…

Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

(iii) Trường hợp hộ kinh doanh áp dụng phương pháp khoán (hộ khoán):

– Từ ngày 20/11 đến ngày 05/12 hằng năm, cơ quan thuế phát Tờ khai thuế năm sau cho tất cả các hộ khoán.

– Hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán là Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh – Mẫu số 01/CNKD (ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).

– Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh, khi khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn lẻ thì hộ khoán khai thuế theo từng lần phát sinh và sử dụng Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh – Mẫu số 01/CNKD (ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC) đồng thời xuất trình, nộp kèm theo hồ sơ khai thuế các tài liệu sau:

+ Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề với hoạt động kinh doanh của hộ khoán.

+ Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.

+ Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất, cung cấp;…

Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

5. Nơi nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng

5.1. Đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế GTGT tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp, riêng đối với:

(i) Trường hợp doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác với tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính thì:

– Khai thuế GTGT của dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế GTGT tại nơi có dự án đầu tư.

– Khai thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

– Khai thuế GTGT tại nơi có nhà máy sản xuất điện.

(ii) Trường hợp có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi công ty cổ phần có trụ sở chính thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp (i) nêu tại Mục 5.1 này) tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.

Đồng thời, công ty cổ phần phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính, trừ một số trường hợp sau đây không phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp:

– Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh vận tải của công ty cổ phần mà các tuyến đường vận tải đi qua địa bàn các tỉnh khác nơi công ty đóng trụ sở chính.

– Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm.

– Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh xây dựng (bao gồm cả xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí) tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại địa bàn cấp tỉnh đó mà giá trị công trình xây dựng bao gồm cả thuế GTGT dưới 01 tỷ đồng.

– Thuế GTGT của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của công ty cổ phần là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(Căn cứ Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

5.2. Đối với hộ kinh doanh

(i) Nơi nộp hồ sơ khai thuế GTGT đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai là Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(ii) Nơi nộp hồ sơ khai thuế GTGT đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh:

– Trường hợp kinh doanh lưu động thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh.

– Trường hợp hộ kinh doanh là chủ thầu xây dựng tư nhân thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi phát sinh hoạt động xây dựng.

(iii) Hộ khoán nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo thông báo của cơ quan thuế.

(Căn cứ theo khoản 2 Điều 11, khoản 2 Điều 12 và Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC).

6. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng

Theo Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, tùy vào kỳ khai thuế GTGT của doanh nghiệp, hộ kinh doanh mà thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT được quy định như sau:

  Khai thuế theo tháng Khai thuế theo quý Khai thuế theo năm Khai thuế theo từng lần phát sinh
Thời hạn nộp chậm nhất Ngày 20 của tháng tiếp theo Ngày cuối cùng của tháng đầu tiên quý tiếp theo. Ngày 15/12 của năm trước liền kề đối với hộ khoán (trường hợp mới kinh doanh thì chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh).

Ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT.

𝐌𝐊𝐋𝐀𝐖
🏢 𝟙𝟟𝟟 𝕋𝕣𝕦̛𝕟𝕘 ℕ𝕦̛̃ 𝕍𝕦̛𝕠̛𝕟𝕘, 𝔻𝕒 ℕ𝕒𝕟𝕘, 𝕍𝕚𝕖𝕥𝕟𝕒𝕞
☎️ +̲8̲4̲ ̲7̲7̲ ̲3̲1̲1̲ ̲2̲2̲3̲3̲
📧 lawmk.minhkhanh@gmail.com / mklawdn@gmail.com
🌐 𝒎𝒌𝒍𝒂𝒘.𝒄𝒐𝒎.𝒗𝒏

mklaw

No Comments

Leave a Comment