8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Kiến thức chung  > Góc nhìn đa chiều:

Góc nhìn đa chiều:

AI LÀ NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM KHI CHAT GPT VI PHẠM PHÁP LUẬT TẠI VIỆT NAM?

Trong khoảng thời gian gần đây, từ khóa “Chat GPT” liên tục được tìm kiếm và lan truyền rộng rãi trên khắp thế giới. Tuy chỉ vừa mới ra mắt nhưng Chat GPT hiện đã cán mốc hơn 10 triệu người dùng, có thể xem đây là hiện tượng được quan tâm nhất thế giới thời điểm hiện tại. Tuy chưa chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam nhưng Chat GPT vẫn nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng tại nước ta. Không ít người dùng tại Việt Nam đã phải sử dụng các công cụ chuyển đổi IP nhằm mục đích đăng ký sử dụng Chat GPT trước khi công cụ này được ra mắt trong nước.

Điều làm Chat GPT tạo nên sự khác biệt với các chatbot thế hệ trước đó là công cụ này có khả năng mô phỏng một cuộc trò chuyện của con người, làm thơ, luận văn, … theo yêu cầu hoặc trả lời các thắc mắc khác nhau và đồng thời cũng bác bỏ những yêu cầu không phù hợp. Không chỉ thế các câu trả lời hay sản phẩm được tạo ra bởi Chat GPT được xem là có độ mạch lạc, trôi chảy và hoàn thiện đáng ngạc nhiên hơn hẳn các công cụ xử lý ngôn ngữ trước đây. Chính vì thế, nhiều người cho rằng Chat GPT sẽ có thể thay thế một số nghề nghiệp như: giáo viên, lập trình viên, các nhà sáng tạo nội dung, …

Vậy Chat GPT là gì và liệu sự ra đời của nó có khả năng làm nảy sinh các vấn đề pháp lý nào?

1. Chat GPT là gì?

Chat GPT là viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer và được ra mắt lần đầu với công chúng vào tháng 11 năm 2022. Nó được biết đến như 1 công cụ hỏi đáp tự động được tạo ra bởi công ty công nghệ là OpenAI bằng kỹ thuật tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).

Điểm đặc biệt của AI này nằm ở “kho” kiến thức mà Chat GPT đã học được. Nó có thể trả lời thành thạo, đầy đủ các câu hỏi ở bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn đưa ra. Ngoài ra, Chat GPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình. Những lợi ích và sự thú vị mà nó mang lại, khiến công cụ này đang được người dùng khắp nơi trên thế giới quan tâm và sử dụng nó. 

Tuy nhiên, từ khi xuất hiện và trở thành trào lưu cho đến nay, bên cạnh những lợi ích mà Chat GPT mang lại, nó cũng đặt ra những câu hỏi, những vấn đề thách thức đối với cơ quan nhà nước trong việc quản lý những vấn đề xã hội, pháp lý phát sinh từ công cụ này.

2. Một số vấn đề pháp lý được đặt ra 

Bên cạnh sự ra đời của một công cụ mới chính là những vấn đề pháp lý liên quan đến nó. Chat GPT cũng không phải là một ngoại lệ. Dù chỉ mới ra đời trong thời gian ngắn nhưng những gì mà Chat GPT có thể làm được đã đặt ra một số vấn đề pháp lý mới như sau:

a) Về quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm do Chat GPT tạo ra

Ở thời điểm hiện tại, Chat GPT có khả năng tạo ra một khối lượng lớn các bài văn, bài thơ, luận văn theo chủ đề, các thiết kế phần mềm. Vậy câu hỏi được đặt ra: “Ai là chủ thể quyền tác giả được công nhận của các tác phẩm trên?” Bởi lẽ theo quy định tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, gồm: tổ chức, cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam”. Thế nhưng Chat GPT không phải là một cá nhân hay tổ chức nào mà chỉ là một công cụ được tạo ra bởi các kỹ thuật, công nghệ. Do đó, nó không thể được công nhận là tác giả của tác phẩm, đồng thời cũng không được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. 

Một vấn đề khác về quyền sở hữu trí tuệ cũng được đặt ra, đó là việc Chat GPT sử dụng các dữ liệu được trích xuất từ các nguồn như: các tác phẩm viết, các công trình nghiên cứu khoa học, … được đăng tải trên Internet từ đó tạo ra các tác phẩm khác thì có được xem như một hành vi vi phạm bản quyền không? Nếu có hành vi vi phạm bản quyền thì ai là người phải chịu trách nhiệm trong trường hợp trên?

Ví dụ: người dùng yêu cầu Chat GPT tạo ra một bài thơ sau đó sử dụng bài thơ đó với mục đích cá nhân và thu lợi nhuận, nhưng bài thơ do Chat GPT tạo ra bị cho là “sao chép” từ bài thơ của một tác giả khác. Vậy trong trường hợp nếu tác giả của bài thơ yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm quyền tác giả, thì ai là người có trách nhiệm bồi thường? Công ty sở hữu Chat GPT chỉ là người thiết kế, vận hành hoạt động chứ không phải là người yêu cầu nó tạo ra sản phẩm và sử dụng sản phẩm. Do đó họ không thể trở thành chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Ở đây, cá nhân yêu cầu Chat GPT tạo ra bài thơ, đồng thời sử dụng bài thơ với mục đích tìm kiếm lợi nhuận là chủ thể phải chịu trách nhiệm liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022.

b) Tính hợp pháp và chính xác của nguồn dữ liệu mà Chat GPT thu thập và tổng hợp được

ẢNH MINH HỌA

Ngoài những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thì vấn đề liên quan đến các cơ sở dữ liệu, các thông tin đầu vào của Chat GPT cũng là một khía cạnh đáng quan tâm. Để Chat GPT có thể hoạt động, các nhà sáng lập cần cung cấp cho nó một hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ cùng các kênh thông tin đầu vào. Các dữ liệu này phần lớn được tổng hợp chính từ Internet. Vậy vấn đề cần đặt ra chính là các dữ liệu được tổng hợp đó có hợp pháp hay không, trong các dữ liệu đó dữ liệu nào được phép thu thập, dữ liệu nào không được phép. Đối với các thông tin thiếu chính xác, sai lệch mà con người cũng khó có khả năng kiểm chứng thì Chat GPT sẽ kiểm chứng tính chính xác của dữ liệu đó như thế nào? Các sản phẩm được tạo ra bởi Chat GPT nhưng không hợp pháp và thiếu chính xác có khả năng xâm phạm đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức, hay nghiêm trọng hơn là an ninh của các Quốc gia. Khi đó ai là chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với các lợi ích bị xâm phạm trên? 

Từ những phân tích trên, có thể thấy việc Chat GPT ra đời đã tạo nên những thách thức pháp lý mới đối với pháp luật Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, bởi lẽ Chat GPT có khả năng tạo ra một số thay đổi về cơ cấu ngành nghề làm việc, từ đó tạo ra sự lúng túng khi áp dụng các quy định pháp luật. Vì vậỵ, các cơ quan lập pháp cần nhanh chống nghiên cứu để ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực “Trí tuệ nhân tạo” nói chung và các phần mềm công nghệ cao như “Chat GPT” nói riêng để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của đời sống xã hội đang diễn ra. 

Còn các bạn đã sử dụng Chat GPT như thế nào rồi?

Tác giả: Trạng Tư – MKLaw & Cộng Sự

Thông tin liên hệ: MKLaw 

Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, P.Hoà Thuận Đông, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.

Điện thoại: 0773 11 22 33

Email: lawmk.minhkhanh@gmail.com 

Fanpage: http://www.facebook.com/MKLawdn 

 

mklaw

No Comments

Leave a Comment