8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Kiến thức chung  > Dùng “TIỀN THẬT” làm hoa dễ nhận được …“TIỀN SỰ”

Dùng “TIỀN THẬT” làm hoa dễ nhận được …“TIỀN SỰ”

Những năm gần đây, vào các dịp lễ tình nhân 14/02, Quốc tế phụ nữ 08/03 hoặc 20/10 xuất hiện nhiều cửa hàng sử dụng tiền thật để làm thành những bó hoa bán cho khách hàng. Những bó hoa làm bằng tiền đang dần trở thành “hot trend” trong giới trẻ. Các mẹ, các chị cũng rất thích được tặng những bó hoa như thế này.

Chị M.P (trú tại Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng) – chủ cửa hàng bán hoa cho biết: Xu hướng của giới trẻ cũng như các khách hàng bây giờ thường ưa chuộng các bó hoa làm bằng tiền. Khách hàng chủ yếu đặt các bó hoa làm từ tờ 5.000 – 50.000 đồng, mỗi bó có giá trị khoảng 200.000 – 500.000 đồng”. Bên cạnh đó, chị P cũng cho biết thêm về nguồn gốc và cách làm của những bó hoa này, chị P chia sẻ: “Những tờ tiền làm hoa đều phải mới, đẹp, không nếp nhăn. Trung bình mất từ 2-3 tiếng đồng hồ mới hoàn thành một bó hoa làm bằng tiền. Các bó hoa được dùng băng keo để tạo hình và cố định tiền, tránh xảy ra rơi rụng trong quá trình di chuyển”.

Có thể thấy những bó hoa làm bằng tiền ngày càng được yêu thích, thế nhưng dùng tiền thật để làm hoa liệu có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam không?

CHẾ TÀI XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI HỦY HOẠI TIỀN TỆ

Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong việc lưu hành, sử dụng đồng tiền Việt Nam bao gồm:

  • Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
  • Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
  • Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
  • Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.

 

Hình ảnh minh họa 

Thực tế, pháp luật hiện hành không cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam. Nhưng nếu việc làm hoa bằng tiền Việt Nam có hành vi cắt, xé hoặc gây hư hỏng, biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông, thanh toán tiền tệ thìđó là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, hành vi hủy hoại tiền Việt Nam là một trong bốn hành vi bị nghiêm cấm.

Thực tế cho thấy, trong quá trình làm ra bó hoa bằng tiền, các cơ sở kinh doanh dùng các chất keo, dính nhằm tạo hình cho bó hoa đẹp hơn. Điều này có thể khiến tiền bị rách, nát, biến dạng. Đồng thời khi người mua cố gỡ những tờ tiền trên bó hoa cũng dễ gây ra các biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng, làm mất khả năng sử dụng của tiền. Hành vi nêu trên có thể được xem là hành vi hủy hoại tiền Việt Nam được quy định tại Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg.

Mức phạt tiền đối với hành vi hủy hoại tiền Việt Nam

Hiện nay, đối với những cá nhân sử dụng tiền Việt Nam mà có hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

Đồng thời, hành vi trên còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

LƯU Ý: Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm trên thì mức phạt tiền gấp 02 lần so với cá nhân.

Có thể thấy rằng việc kinh doanh sử dụng tiền thật làm hoa bên cạnh những lợi ích về vật chất lẫn tinh thần cho người bán và người mua thì mặt hàng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật. Vì vậy, Cơ quan chức năng khuyến cáo, người kinh doanh, người tiêu dùng nên trang bị kiến thức pháp luật để trở thành người bán hàng và tiêu dùng thông thái.

Tác giả: Trạng Tư – MKLaw & Cộng Sự

Thông tin liên hệ: MKLaw 

Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, P.Hoà Thuận Đông, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.

Điện thoại: 0773 11 22 33

Email: lawmk.minhkhanh@gmail.com 

Fanpage: http://www.facebook.com/MKLawdn 

 

 

 

mklaw

No Comments

Leave a Comment