Đề xuất: Luật sư, giảng viên có trình độ cao được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao
1. Luật sư, giảng viên có trình độ cao được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao (đề xuất)
Cụ thể tại Điều 97 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi quy định về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:
(1) Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 95 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
– Có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên;
– Đã là Thẩm phán bậc 06 từ đủ 03 năm trở lên;
– Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật.
(2) Người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử, giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Lưu ý: Số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm theo quy định tại (2) không vượt quá 02 người.
Hiện hành, tại Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau: – Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: + Đã là Thẩm phán cao cấp từ đủ 05 năm trở lên; + Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng. – Người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. |
Như vậy, theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã bổ sung thêm đối tượng là luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Thời gian tham gia các hoạt động khác của Thẩm phán không quá 20% tổng thời gian làm việc trong năm
Tại Điều 103 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi quy định trách nhiệm của Thẩm phán bao gồm:
– Tuân thủ Hiến pháp và Luật; dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý.
– Độc lập, vô tư, khách quan trong xét xử.
– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của luật.
– Bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
– Bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật tư pháp.
– Học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng chuyên nghiệp của người Thẩm phán.
– Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử; về đạo đức, trách nhiệm và ứng xử của Thẩm phán theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
– Tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân theo luật.
– Ưu tiên sử dụng quỹ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết các vụ việc khác. Thời gian tham gia viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động khác của Thẩm phán không được quá 20% tổng thời gian làm việc trong năm.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Xem thêm dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
Nguồn: Thuvienphapluat
Cần hỗ trợ tư vấn vui lòng gọi: | Theo dõi MKLaw tại đây |
0773 11 22 33 | Fanpage: https://www.facebook.com/MKLawdn |
Thông tin liên hệ: MKLaw
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Điện thoại: 0773 11 22 33
Email: lawmk.minhkhanh@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/MKLawdn