8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Kiến thức dân sự  > CHIA TAY ĐÒI LẠI QUÀ – CÓ PHẠM LUẬT HAY KHÔNG?

CHIA TAY ĐÒI LẠI QUÀ – CÓ PHẠM LUẬT HAY KHÔNG?

… NGÀY 14/2 VÀ NGÀY 8/3 SẮP ĐẾN RỒI CÁC BẠN NHÉ….

Chắc hẳn mọi người còn nhớ vụ án Tình – Tiền cách đây 08 năm giữa đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga về “Hợp đồng tình ái” với những màn đấu tố căng thẳng tại tòa. Nhân sự việc thực tế trên, tác giả chỉ đưa ra những khía cạnh pháp lý mà trong cuộc sống thường nhật chúng ta có thể gặp phải, tưởng chừng như bình thường nhưng có thể vướng vào vòng lao lý mà chúng ta cần phải cảnh giác. Thông qua bài viết này, hy vọng sẽ truyền tải được những thông điệp có ích để quý đọc giả có thể tham khảo, biết và phòng tránh.

ẢNH MINH HỌA

Trên thực tế, dù là nam hay nữ, đặc biệt là những bạn có vẻ ngoài thu hút, may mắn có được người yêu giàu có, đại gia hay tỷ phú, sẵn sàng chi tiền cho những món quà xa hoa, đắt tiền, những chiếc túi xách hàng hiệu có giá trị lên đến hàng chục ngàn đô, những chiếc “Xế hộp” trị giá bạc tỷ, thậm chí là những căn hộ cao cấp, nhà và đất … Tất nhiên, khi yêu thì cuộc đời luôn bừng lên “màu hồng” tươi mới, con người ta thường có xu hướng trao tất cả những gì tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Đó là họa hay phúc, ta chưa thể nói trước được. Nhưng khi tình cảm cạn dần, từ yêu trở thành thù, việc chia tay, đòi lại quà đó là một chuyện thất bại, nhưng thảm hại hơn là vừa bị đòi lại quà lại vừa dính vào vòng lao lý.

Vào một ngày đẹp trời, bạn được tặng một chiếc đồng hồ phiên bản giới hạn trên thế giới, trị giá hàng chục ngàn đô, bạn vui vẻ và đón nhận món quà đó, rủi một ngày không may, người tặng tố giác bạn rằng, bạn đã trộm cắp tài sản của họ, đó là chiếc đồng hồ của người khác. Trong khi đó, mọi giao dịch là đã mua và thanh toán tiền, phiếu bảo hành, giấy kiểm định… đứng tên người tặng hoặc gia đình của người ấy. Lúc đó, bạn chẳng có chứng cứ chứng minh việc bạn được người đó tặng, bạn chỉ “bấu víu” vào một luận điểm duy nhất là người ấy có tặng bạn, nhưng sự đời ta chỉ tin vào những gì có thực, được bày biện trước mắt họ, lúc này “trọng chứng hơn trọng cung”.

Nhiều bạn được người yêu tặng cho nhà, đất và trên giấy tờ đứng tên người được tặng cho và họ cũng rất tự tin về việc tặng cho này, họ cảm thấy an tâm và chắc như đinh đóng cột rằng đây là tài sản của họ. Nhưng cuộc sống rất nhiều điều “bất ngờ”, tương tự như án lệ số 02/2016 về “tranh chấp đòi lại tài sản”, cụ thể là về việc người trực tiếp chuyển khoản, trực tiếp gửi tiền là người ấy, bạn chỉ là người đứng tên hộ để giúp người ấy quản lý tài sản. Nếu phân tích về vấn đề này, ban đầu sẽ là tình ngay và lý cũng ngay, bởi vì bạn được người ấy tặng tiền và bạn dùng chính số tiền được tặng cho đó để mua bất động sản. Nhưng, một khi tình cảm hết đi, người ấy lại “trở mặt”, có những kẻ rất hẹp hòi, hạ đẳng, họ sẽ tìm đủ mọi cách để “đổi trắng thay đen”, lúc này dù có ngay tình cũng có thể sẽ trở thành tình gian và lý cũng gian. Theo bạn, thì trong trường hợp này là “tình ngay lý ngay”, “tình gian lý gian” hay là “tình ngay lý gian” …!

Từ yêu thương thành thù hận là một khoảng cách khá mong manh và “trò đùa” trên luật pháp thì mênh mông hơn thế. Nếu người ta muốn sẽ tìm ra muôn vàn lý do để dẫn đến kết quả tồi tệ hơn thế nữa. “Vẽ người, vẽ mặt, khó vẽ lòng”, lòng người thật sự khó đoán, có thể hiện tại họ thương ta, luôn mang đến những thứ tốt đẹp nhất, nhưng khi tình cảm cạn dần, trở nên cay đắng và quyết trả thù đối với người mình từng thương.

ẢNH MINH HỌA

Từ những ví dụ điển hình như trên, thực tế sẽ xảy ra những tình huống khác nhau mà chúng ta không thể lường trước được. Dẫu biết rằng, trong cuộc sống này, chúng ta luôn luôn đặt niềm tin giữa người với người lên hàng đầu, nhưng biết đâu đó một vấn đề pháp lý mà tác giả biết đến lại có thể giúp được quý đọc giả có thể phòng tránh, để không vướng phải những rủi ro pháp lý vừa nêu, tác giả khuyến nghị bạn đọc về những lưu ý sau:

Đầu tiên, về khái niệm tặng cho tài sản, chúng ta có thể hiểu nôm na rằng tặng cho tài sản là việc bên tặng cho tự nguyện chuyển giao tài sản của mình cho bên được tặng cho theo Điều 457 Bộ luật dân sự 2015. Tài sản tặng cho có 02 loại: tặng cho tài sản là động sản và bất động sản căn cứ theo Điều 107 Bộ luật dân sự 2015. 

Thứ nhất, đối với tài sản tặng cho là động sản như: đồng hồ, kim cương, vật có giá trị khác …. Hoặc tài sản tặng cho là bất động sản như nhà, đất, thì giải pháp tốt nhất chính là bạn đề nghị người tặng chuyển khoản với nội dung “cho tiền để mua…”; “cho tiền tiêu xài cá nhân”; hoặc với nội dung khác thể hiện ý chí tặng cho của họ đối với bạn. Lưu ý rằng, trong thông tin nội dung chuyển khoản không được để trống, đề phòng việc họ “lật kèo” sẽ nói cho mình vay, mượn.

Thứ hai, chúng ta không cần áp dụng trường hợp thứ nhất khi bạn có đủ bằng chứng hợp pháp về việc tặng cho. Ví dụ: trong lúc người ấy tặng cho và bạn có video quay cảnh về việc tặng cho tài sản (đại loại vậy).

Có một vấn đề pháp lý mà chúng ta cần lưu ý rằng, đối với tài sản tặng cho là bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải lập thành văn bản ghi nhận về việc tặng cho có công chứng, chứng thực và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, đã được quy định rõ theo Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015. Đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, cho dù hợp đồng tặng cho đã được công chứng, chứng thực, nhưng người tặng cho tài sản vẫn chưa thực hiện việc bàn giao tài sản cho người nhận tặng cho, thì trường hợp này việc tặng cho tài sản được xem là chưa hoàn thành, hợp đồng tặng cho chưa phát sinh hiệu lực căn cứ theo Điều 458 và Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015.

Từ những phân tích trên, tác giả hy vọng quý bạn đọc có thêm kiến thức để phòng tránh được những rủi ro pháp lý diễn ra trong đời sống. Dẫu biết rằng có những thứ quá cẩn trọng thì “mất tình”, nhưng ông bà ta thường có câu “mất lòng trước, được lòng sau”, sự đời lại lắm phức tạp, càng thận trọng bao nhiêu, càng hạn chế rủi ro bấy nhiêu.

Tác giả: Trạng Tư – MKLaw & Các Cộng sự

Thông tin liên hệ: MKLaw

Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, P. Hoà Thuận Đông, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.

Điện thoại: 0773 11 22 33

Email: lawmk.minhkhanh@gmail.com 

Fanpage: http://www.facebook.com/MKLawdn

 

mklaw

No Comments

Leave a Comment