Các trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện trong vụ án dân sự
Mục Lục Bài Viết
Không phải cứ muốn kiện là kiện, mà phải có QUYỀN KHỞI KIỆN thì mới kiện được. Nếu không có QUYỀN KHỞI KIỆN mà nộp đơn kiện, thì về mặt luật, Tòa án phải trả hồ sơ; nếu Tòa án đã thụ lý thì phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nhưng trong vụ án dân sự vẫn có các trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Vậy các trường hợp đó là trường hợp nào?
1. Quyền khởi kiện vụ án dân sự
Theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Các trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện trong vụ án dân sự
Theo Điều 2 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định người khởi kiện không có quyền khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186, Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là trường hợp người làm đơn khởi kiện không thuộc trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
Ví dụ: Tổ chức A (không phải là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010) cho rằng Công ty B bán hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng như đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết dẫn đến việc chị C (người tiêu dùng) mua sử dụng bị thiệt hại nên Tổ chức A làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty B bồi thường thiệt hại cho chị C.
Trường hợp này, Tổ chức A không có quyền khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 3 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
– Yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.
Ví dụ: Cụ A chết năm 2010, để lại di sản là căn nhà X nhưng không có di chúc và không có thỏa thuận khác. Cụ A có con là ông B (còn sống, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015).
Trường hợp này, theo quy định của pháp luật về thừa kế thì anh C là con của ông B không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ A theo pháp luật.
3. Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự
Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự theo Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
– Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Quý khách có nhu cầu tư vấn vui lòng liên hệ :
𝐌𝐊𝐋𝐀𝐖
𝟙𝟟𝟟 𝕋𝕣𝕦̛𝕟𝕘 ℕ𝕦̛̃ 𝕍𝕦̛𝕠̛𝕟𝕘, 𝔻𝕒 ℕ𝕒𝕟𝕘, 𝕍𝕚𝕖𝕥𝕟𝕒𝕞
+̲8̲4̲ ̲7̲7̲ ̲3̲1̲1̲ ̲2̲2̲3̲3̲
lawmk.minhkhanh@gmail.com / mklawdn@gmail.com
𝒎𝒌𝒍𝒂𝒘.𝒄𝒐𝒎.𝒗𝒏