8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Kiến thức chung  > “Cá” tháng Tư bị “bỏ tù”

“Cá” tháng Tư bị “bỏ tù”

“April fools day” hay ngày Cá tháng Tư – ngày mà mọi người có thể thoải mái nói dối, trêu chọc nhau mà không sợ bị giận. Vậy đâu là giới hạn cho lời nói dối để không vi phạm pháp luật?

1. Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư:

Ngày Cá tháng Tư được ấn định vào ngày 1/4 hàng năm. Mặc dù mọi người rất “hăng hái” tạo những trò đùa, những lời nói dối tinh quái vào ngày này nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc và ý nghĩa của nó.

Ngày Cá tháng Tư có nguồn gốc từ nước Pháp. Có nhiều truyền thuyết xung quanh ngày này nhưng phổ biến nhất vẫn là câu chuyện liên quan đến sự kiện thay đổi lịch mừng năm mới của Pháp.

Vào năm 1564, vua Pháp là Charles IX quyết định đổi từ lịch Julius sang dùng lịch Gregory. Theo đó, lịch mừng năm mới chuyển từ tuần cuối cùng của tháng 3 sang ngày mùng 1/1. Do thời điểm đó chưa có nhiều phương tiện truyền tin nên một bộ phận những người dân thôn quê Pháp vẫn ăn mừng năm mới theo hệ thống lịch cũ. Những người này tiếp tục kỷ niệm năm mới vào ngày 1/4 bị gọi là “kẻ ngốc” và trở thành trò cười cho thiên hạ. Từ đó, người ta gọi ngày 1/4 là ngày nói dối và cái tên “Cá tháng Tư” chính thức xuất hiện.

Trò đùa vào ngày 1/4 dần trở thành truyền thống của Pháp và lan sang nhiều nước khác, trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

2. Ranh giới nào cho lời nói vô hại và lời nói vi phạm pháp luật?

Lời nói dối ngày 1/4 là lời nói dối vô hại để trêu ghẹo nhau và là cách để giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống, công việc.

Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư

Tuy nhiên, về bản chất, nói dối là hành động cố ý, có chủ tâm cung cấp thông tin sai sự thật về vấn đề nào đó để đạt được mục đích mà người nói dối mong muốn.

Mục đích của việc nói dối có thể là chính đáng như không để người khác buồn phiền nhưng cũng có những mục đích không chính đáng như lừa đảo, vu khống người khác.

Dù mục đích của lời nói dối là gì nhưng nếu nó “thỏa mãn” các dấu hiệu phạm tội thì có thể vi phạm pháp luật. Minh chứng lớn nhất mà chúng ta có thể nhận thấy điều này là Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có những quy định cụ thể cho những hành vi cố tình làm sai trái sự việc thông qua lời nói dẫn đến thực hiện hành vi.

Dưới đây là một số quy đinh cụ thể cho những trường hợp gian dối được quy định trong Bộ luật Hình sự năm năm2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

  • Điều 156. Tội vu khống
  • Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
  • Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
  • Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
  • Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác
  • Điều 340. Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức
  • Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
  • Điều 382. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

Như vậy, dù là vào “ngày nói dối toàn thế giới”, những lời nói dối có thể khiến người nói bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu các khung hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự nếu nó “đáp ứng” được yêu cầu của luật định.

Vì vậy, người nào có ý định dùng ngày Cá tháng Tư để thực hiện việc lừa đảo thì hãy từ bỏ suy nghĩ ấy đi vì ngày 1/4 không phải “kim bài miễn tử” để họ thoát khỏi “sự trừng trị” của pháp luật.

Tóm lại, để lời nói dối “đúng pháp luật”, người nói hãy sử dụng nó một cách khôn khéo: không vi phạm các điều cấm của luật, không trái với những chuẩn mực đạo đức xã hội và quan trọng nhất là không làm phương hại đến quyền và lợi ích của người khác.

Tác giả: Trạng Tư

Thông tin liên hệ: MKLaw

Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, P.Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.

Điện thoại: 0773 11 22 33

Email: lawmk.minhkhanh@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/MKLawdn

 

 

 

 

mklaw

No Comments

Leave a Comment