8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Tin tức  > Cảnh báo nghiêm trọng từ mức thuế 46% của Mỹ đối với hàng Việt Nam

Cảnh báo nghiêm trọng từ mức thuế 46% của Mỹ đối với hàng Việt Nam

MKLaw – Một quyết định bất ngờ, đầy tác động từ chính quyền Hoa Kỳ đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam: mức thuế 46% áp dụng trên toàn bộ hàng hóa xuất sang Mỹ. Đây là mức thuế cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.

Mức thuế Mỹ áp dụng với từng đối tác thương mại.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Lê Thị Dung, đây là “một bước nhảy vọt lớn” về mặt thuế quan. Nếu như trước đây, các biện pháp áp thuế chỉ giới hạn trong một số ngành cụ thể – như chống bán phá giá đối với thép, cá tra hay lốp xe – thì nay, mức thuế 46% được áp dụng diện rộng cho tất cả hàng hóa từ Việt Nam. So với mức thuế trung bình trước đây chỉ khoảng 2,2%, đây là mức tăng gấp 20 lần. “Ngay cả khi so với những mức thuế trừng phạt cao nhất trước đây – như thép từng bị áp tới 456% – thì việc áp thuế 46% trên toàn bộ hàng hóa vẫn là thay đổi mang tính chất hệ thống và toàn diện”, bà Dung nhận định.

Đòn giáng mạnh vào nền kinh tế xuất khẩu

Trong năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch lên tới hơn 142 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP. Đồng thời, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại với Mỹ ở mức kỷ lục 123,5 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, mức thuế 46% được đánh giá sẽ làm suy giảm nghiêm trọng năng lực cạnh tranh của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, giày dép – những lĩnh vực đang sử dụng hàng triệu lao động trong nước.

Đặc biệt, các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel – vốn đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ – cũng sẽ chịu tác động, làm gia tăng nguy cơ dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia có ưu đãi thuế tốt hơn.

Nỗ lực ngoại giao và thương mại chưa mang lại kết quả

Trước khi chính sách thuế mới được ban hành, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm cân bằng quan hệ thương mại song phương. Cụ thể, nước ta đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một loạt mặt hàng từ Mỹ như ô tô (từ 45–64% xuống còn 32%) hay khí hóa lỏng LNG (từ 5% xuống 2%). Đồng thời, Chính phủ cũng phê duyệt dịch vụ Starlink của SpaceX và ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá hơn 4 tỷ USD với các doanh nghiệp Mỹ nhằm mở rộng hợp tác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bao gồm Ts. Ls. Lê Thị Dung, những nỗ lực này “dường như chưa đủ để thay đổi quyết định của chính quyền Trump – vốn đang theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn hơn trong bối cảnh tái tranh cử”.

Vị thế của Việt Nam trong chính sách thương mại mới của Mỹ

So sánh với các quốc gia khác, mức thuế 46% mà Việt Nam phải chịu cao hơn hẳn Thái Lan (36%), Hàn Quốc (25%), Nhật Bản (24%), và chỉ thấp hơn Campuchia (49%). Điều này phản ánh quan điểm của chính quyền Trump cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia “lạm dụng thương mại” lớn – đặc biệt do thặng dư thương mại cao và nghi ngờ là “cửa ngõ” để hàng Trung Quốc né thuế qua trung chuyển.

Việc Mỹ lựa chọn áp dụng mức thuế cao toàn diện thay vì nhắm vào từng ngành riêng lẻ không chỉ tạo ra thách thức trực tiếp với xuất khẩu Việt Nam, mà còn là tín hiệu cảnh báo về sự thay đổi căn bản trong chính sách thương mại toàn cầu thời gian tới.

Trạng Tư

mklaw

No Comments

Leave a Comment