8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Tin tức  > Tin Tức  > Tin Tức  > Nhận diện các chiêu lừa online đang bủa vây người dân

Nhận diện các chiêu lừa online đang bủa vây người dân

Phát hiện những chiêu dẫn dụ của tội phạm công nghệ cao, người dân sẽ tránh bị lừa đảo, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân

4 chiêu lừa phổ biến

1.Du lịch giá rẻ: Nếu nhận được lời mời chào mua gói du lịch với giá quá rẻ, hãy thận trọng.

Nhận biết

  • Quảng cáo tour, phòng khách sạn giá rẻ, đề nghị đặt cọc 30-50%.
  • Dịch vụ làm visa du lịch, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% tiền nếu không xin được visa. Sau đó lấy lý do bạn khai thông tin sai, thiếu để không trả lại tiền.
  • Làm giả website công ty du lịch uy tín, ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị bạn chuyển khoản thanh toán chi phí tour. Chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết sau khi bạn nộp tiền.
  • Làm giả/chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của bạn, liên lạc với người thân của bạn nói dối đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài, cần tiền ngay lập tức.
  • Mạo danh đại lý bán vé máy bay, tạo các website tương tự hãng chính thức, quảng cáo ưu đãi. Gửi bạn mã đặt chỗ để yêu cầu bạn thanh toán vé. Nhận tiền, họ không xuất vé và ngắt liên lạc.

Biện pháp phòng tránh

  • Tìm hiểu kỹ, chọn dịch vụ đặt tour, phòng, vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch.
  • Đề nghị công ty du lịch cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… Cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (thấp hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.
  • Nhận biết website giả mạo: gần giống với tên các website thật nhưng có thêm hoặc thiếu một số ký tự, tên miền có đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…
  • Chọn các trang mạng xã hội quảng bá du lịch có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký), có uy tín, biết rõ thông tin.

2.“Chuyển nhầm tiền” vào tài khoản ngân hàng

Bỗng dưng nhận tiền trong tài khoản, đừng vội làm “người tốt”, hãy xác nhận với ngân hàng trước khi chuyển trả chủ nhân.

Nhận biết

  • Sau khi cố tình chuyển khoản nhầm cho bạn, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo về việc có người chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng truy cập một đường link nhằm dẫn dụ lấy thông tin như tên truy cập, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
  • Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính liên hệ yêu cầu bạn trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi suất cao.
  • Thậm chí họ còn đe dọa, khủng bố tin nhắn, điện thoại của bạn khiến bạn hoảng sợ và lo lắng mà thực hiện theo yêu cầu.

Biện pháp phòng tránh

  • Không chuyển tiền ngay lập tức, phải kiểm tra và xác nhận rõ ràng nguồn gốc, mục đích của giao dịch chuyển tiền trước khi thực hiện. Không chuyển tiền dựa trên các yêu cầu đột xuất, không xác định hoặc không rõ ràng.
  • Kiểm tra thông tin chuyển khoản liên quan đến người nhận và số tài khoản trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. So sánh thông tin với nguồn tin chính thức hoặc thông qua ngân hàng chủ quản để đảm bảo tính xác thực.
  • Nếu bạn nhận được yêu cầu trả lại số tiền như một khoản vay, hãy xem xét cẩn thận trước khi đồng ý. Đảm bảo rằng điều khoản và lãi suất được đề xuất là rõ ràng và hợp lý. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy tìm kiếm lời khuyên từ ngân hàng hoặc chuyên gia tài chính.
  • Báo cáo sự việc cho cơ quan công an, bảo vệ thông tin cá nhân của bạn.

3.Đánh cắp thông tin căn cước công dân để vay tín dụng

Ảnh căn cước công dân, thông tin cá nhân của bạn bị lộ, sẽ là “mỏ vàng” của tín dụng đen.

Nhận biết

  • Việc tiết lộ thông tin cá nhân như số căn cước công dân, ngày sinh, địa chỉ… trên mạng xã hội sẽ khiến kẻ gian có thể lợi dụng để lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản của bạn.
  • Cảnh báo về vay tiền từ các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội: Các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội có thể cung cấp dịch vụ vay tiền nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với các khoản lãi suất cao và các điều khoản vay không rõ ràng. Nếu không thực hiện cẩn thận, bạn có thể rơi vào tình trạng nợ nần và mất tài sản.

Biện pháp phòng tránh

  • Bảo vệ thông tin cá nhân: Không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng cho bất kỳ ai trên mạng xã hội hay qua các tin nhắn không xác định nguồn gốc.
  • Nếu nhận được cuộc gọi, tin nhắn hoặc email từ các tổ chức tài chính, hãy xác minh danh tính của họ bằng cách liên hệ trực tiếp với tổ chức đó qua số điện thoại hoặc địa chỉ email chính thức.
  • Trước khi tham gia vào giao dịch trực tuyến, hãy kiểm tra sự đáng tin cậy của sàn giao dịch bằng cách tìm hiểu về sàn giao dịch, đọc đánh giá từ người dùng khác và xem xét các chứng chỉ, giấy phép hoạt động.
  • Luôn cảnh giác với các cơ hội kiếm tiền nhanh chóng, và đừng để bị lừa bởi những lời hứa quá mức hấp dẫn. Hãy kiên nhẫn và tỉnh táo khi đưa ra quyết định về giao dịch tài chính.
  • Sử dụng phần mềm bảo mật mạnh mẽ và luôn cập nhật phiên bản mới nhất để bảo vệ thiết bị của mình khỏi các mối đe dọa trực tuyến.

4.Giả biên lai chuyển tiền thành công

Cho bạn xem hình ảnh đã chuyển khoản tiền thành công, không có nghĩa là họ đã chuyển tiền.

Nhận biết

Kẻ lừa đảo thường mua hàng của bạn với số lượng lớn để tạo niềm tin, sau đó vay thêm tiền mặt và hứa chuyển khoản trả. Thực chất họ không chuyển tiền mà tạo chứng cứ thanh toán giả rồi gửi cho bạn.

Biện pháp phòng tránh

  • Kiểm tra kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng khi chưa nhận được tiền trong tài khoản, kể cả khi người mua cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
  • Chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ dựa vào ảnh chụp chuyển tiền thành công của người khác gửi.
  • Hình ảnh giả mạo “giao dịch thành công” sẽ khác với hình ảnh thật về màu sắc, phông chữ, thời gian…
  • Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.

Trên đây là 4 chiêu lừa phổ biến, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi; nhắm đến nhiều nhóm đối tượng, từ người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng cho đến phụ huynh. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Nếu không may trở thành nạn nhân của lừa đảo, người dân có thể liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, an toàn thông tin: Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng)… để được hỗ trợ. (Vne)

𝐌𝐊𝐋𝐀𝐖
🏢 𝟙𝟟𝟟 𝕋𝕣𝕦̛𝕟𝕘 ℕ𝕦̛̃ 𝕍𝕦̛𝕠̛𝕟𝕘, 𝔻𝕒 ℕ𝕒𝕟𝕘, 𝕍𝕚𝕖𝕥𝕟𝕒𝕞
☎️ +̲8̲4̲ ̲7̲7̲ ̲3̲1̲1̲ ̲2̲2̲3̲3̲
📧 lawmk.minhkhanh@gmail.com / mklawdn@gmail.com
🌐 𝒎𝒌𝒍𝒂𝒘.𝒄𝒐𝒎.𝒗𝒏

mklaw

No Comments

Leave a Comment