8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Kiến thức chung  > Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng là tội phạm đã được quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định ngắn gọn là “tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, còn Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” với 11 tình tiết là dấu hiệu định tội, thay vì chỉ có 04 tình tiết là dấu hiệu định tội như Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999(1).

So với Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 ngoài việc quy định lại tên của tội danh và bổ sung nhiều tình tiết là dấu hiệu định tội, còn bãi bỏ các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, mà thay thế bằng các tình tiết “gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng và từ 3.000.000.000 đồng trở lên”.

Về hình phạt, Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 cấu tạo thành 4 khoản, thay vì chỉ cấu tạo thành 3 khoản như Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Trừ khoản 4 của điều luật quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm là hình phạt nặng hơn khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, còn các khoản 1, khoản 2, khoản 3 của điều luật đều quy định hình phạt tù nhẹ hơn Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, lại quy định hình phạt tiền ở tất cả các khoản của điều luật, trừ hình phạt bổ sung đối với người phạm tội.

Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này vừa là chủ thể đặc biệt, vừa là chủ thể bất kỳ.

– Là chủ thể đặc biệt, đối với những người có quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực cấp tín dụng; về góp vốn; về mua cổ phần; về phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán; về kinh doanh vàng hoặc kinh doanh ngoại hối và các hoạt động ngân hàng mới là chủ thể của tội phạm này.

– Là chủ thể bất kỳ, đối với những người sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Dù là chủ thể đặc biệt hay chủ thể bất kỳ thì chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, còn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178,

248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 206).

Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể bị xâm phạm của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước về cấp tín dụng; về góp vốn; về mua cổ phần; về phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán; về kinh doanh vàng hoặc kinh doanh ngoại hối và các hoạt động ngân hàng.

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp cả về tính chất, mức độ, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng đã dẫn đến sự thua lỗ, thất thoát tài sản trị giá đặc biệt lớn, gây đổ vỡ ở một số ngân hàng, đồng thời làm tăng khả năng đổ vỡ kéo theo đối với cả hệ thống tín dụng, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng, làm giảm và mất hiệu lực vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng. Ví dụ: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.900 tỉ đồng xảy ra tại Vietinbank; vụ Giám đốc phòng giao dịch Hòa Hưng, Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi chiếm đoạt 17 tỉ đồng bỏ trốn; vụ Phạm Công Danh; vụ án Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm đoạt 245 tỉ đồng bỏ trốn…

Đối tượng tác động của tội này là các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng; về các biện pháp bảo đảm khi cấp tín dụng; về tỉ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng; về giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng; về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng; về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng; về phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán; về chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; về kinh doanh vàng hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép và các hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

Do đó, khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng quy định đối với các đối tượng được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 của điều luật.

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan

So với quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, thì tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới đáng chú ý sau đây:

Bổ sung các tình tiết là dấu hiệu định tội, không chỉ giới hạn ở các vi phạm quy định về cho vay (cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; cho vay quá giới hạn quy định, quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, mà còn bao gồm các hành vi khác trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Có thể chia các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng thành 02 nhóm: Nhóm thứ nhất quy định về hoạt động ngân hàng gồm các hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự; Nhóm thứ hai quy định về hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng gồm các hành vi quy định tại điểm g, điểm h, điểm i và điểm k khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự.

Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng là hành vi của cán bộ tín dụng đã cấp tín dụng cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà theo quy của pháp luật họ không thuộc diện được cấp tín dụng. Ví dụ: Ngân hàng đã cấp tín dụng (cho vay) đối với pháp nhân thương mại đã bị tòa án đình chỉ hoạt động hoặc bị cấm huy động vốn.

Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật là hành vi cấp tín dụng (cho vay) đối với trường hợp phải có tài sản thế chấp hoặc cầm cố (tài sản bảo đảm cho các khoản vay) hoặc cấp tín dụng (cho vay) đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vượt quá quy định. Ví dụ: Theo quy định của pháp luật, thì ngân hàng chỉ cho ông Đoàn Thế P vay 1 tỉ đồng với điều kiện phải có tài sản thế chấp hoặc cầm cố nhưng Trần Thị Kim O, cán bộ ngân hàng là người nhà ông P nên đã cho ông P vay tiền, mà không có tài sản thế chấp. Đến hạn ông P không trả được nợ, vì ông P đã dùng số tiền vay được để buôn bán trái phép thuốc lá ngoại và bị các lực lượng chức năng bắt nên không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Vi phạm quy định về tỉ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng là vi phạm quy định về tỉ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vi phạm ít hơn, vì hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam chặt chẽ hơn nhưng về lý thuyết, hành vi này vẫn có thể xảy ra. Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm là trường hợp người vay hoặc cán bộ, nhân viên ngân hàng đã thông đồng cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm.

Thực tế các vụ đại án có liên quan đến ngân hàng hầu hết tài sản thế chấp hoặc cầm cố bị nâng khống lên nhiều lần so với giá trị thật của nó. Chỉ khi người vay không có khả năng chi trả, các cơ quan chức năng vào cuộc, thì mới phát hiện tài sản thế chấp (bảo đảm cho khoản vay) đã bị nâng khống lên nhiều lần. Ví dụ: Căn nhà của vợ chồng ông Bùi Văn H và bà Trần Thị D chỉ có giá trị 1,5 tỉ đồng nhưng đã bị nâng khống lên 15 tỉ đồng để được vay 10 tỉ đồng. Sau khi vay được tiền, vợ chồng ông H, bà D đã đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, khi đầu tư vào bất động sản, ông H và bà D đã không kiểm tra kỹ nên đã bị chủ đầu tư lừa, vì toàn bộ bất động sản mà ông H và bà D mua là đất dự án khu thương mại của tỉnh chứ không phải đất dự án nhà ở.

Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng là trường hợp vi phạm về tổng mức dư nợ cấp tín dụng bao gồm tổng số dư nợ cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, tổng mức mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thẻ tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả dư nợ cấp tín dụng từ nguồn vốn của pháp nhân khác mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro theo quy định của pháp luật; số dư bảo lãnh và các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng.

Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng là hành vi vi phạm quy định tại Thông tư số 23/2020/ TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015(2) là quy định có liên quan đến quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần tham khảo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước trước khi xác định hành vi của người được coi là vi phạm. Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật là trường hợp cán bộ tín dụng cho khách hàng vay vượt quá với vốn tự có của khách hàng và người có liên quan nếu không có sự chấp thuận của người có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc người có thẩm quyền chấp thuận cho cán bộ tín dụng cho khách hàng cũng phải theo quy định của pháp luật. Nếu người có thẩm quyền nhưng lại chấp thuận cho cán bộ tín dụng cấp tín dụng cho người vay trái với quy định của pháp luật như vượt quyền hoặc tuy có quyền nhưng lại chấp thuận không đúng với quy định của pháp luật thì người có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như tội “lạm quyền hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn”…

Vốn tự có (còn gọi là vốn lưu động thường xuyên cần thiết) được hình thành từ nguồn vốn ổn định có tính chất lâu dài như vay dài hạn hay vốn chủ sở hữu. Khách hàng có vốn tự có để chứng minh rằng: khách hàng có quyết tâm kinh doanh, có phương án kinh doanh và sẽ có sự thành công theo nhận định của họ. Vốn kinh doanh của khách hàng càng nhiều thì chứng tỏ khách hàng có tích lũy, kinh nghiệm làm ăn. Từ đó mới có thể tin tưởng cho vay được. Vốn tự có được tính bằng vay dài hạn cộng với vốn chủ sở hữu trừ đi giá trị còn lại của tài sản cố định. Vốn tự có không cần lớn nhưng rất cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nó bảo đảm cho quá trình sản xuất kinh doanh được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tương ứng với một quy mô kinh doanh nhất định phải có một lượng tài sản cố định nhất định nằm trong giai đoạn luân chuyển như tài sản dự trữ về nguyên vật liệu, sản phẩm đang chế tạo, bán thành phẩm và nợ phải thu từ khách hàng. Những tài sản đó được hình thành từ vốn tự có.

Nói chung, vốn tự có tạo ra mức độ an toàn cho doanh nghiệp trong kinh doanh, làm cho tình trạng tài chính của doanh nghiệp được bảo đảm vững chắc hơn. Do vậy, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có vốn tự có. Khi cấp tín dụng (cho vay), ngân hàng yêu cầu khách hàng phải có vốn tự có là để tăng trách nhiệm của khách hàng với khoản vay; giảm bớt rủi ro cho ngân hàng; giảm chi phí sử dụng vốn vay của khách hàng do có vốn tự có. Khách hàng có vốn tự có thì mới chứng minh được mình sử dụng vốn có đúng mục đích không, có phương án kinh doanh tốt không.

Việc quy định phải có vốn tự có là do quy định của mỗi ngân hàng, đều bắt buộc khách hàng phải có, bên cạnh đó là chia sẻ rủi ro với ngân hàng vì nếu cho vay nhiều quá, dư tiền khách hàng lại sử dụng vào việc khác. Tiếp theo là ngân hàng có thể biết được khách hàng có thực sự cần tiền vào mục đích kinh doanh hay sử dụng tiền vay được vào việc khác. Khách hàng khi kinh doanh cần phải có phần vốn tự có để bảo đảm năng lực tài chính của mình. Ngân hàng chỉ đóng vai trò hỗ trợ khách hàng một phần vốn khi nhận thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng là hiệu quả và mang lại lợi nhuận.

Tóm lại, phần vốn tự có thể hiện khả năng kinh doanh của khách hàng, vốn tự có càng nhiều, tài sản tích lũy càng lớn, ngân hàng càng yên tâm khi cho vay. Tuy nhiên, nếu được người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chấp thuận, thì ngân hàng có thể cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan. Trường hợp này, trách nhiệm thuộc về người có thẩm quyền nếu xảy ra rủi ro khi ngân hàng cho vay vượt giới hạn so với vốn tự có của doanh nghiệp.

Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng là hành vi vi phạm Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) về giới hạn góp vốn, mua cổ phần. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại. Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Luật Các tổ chức tín dụng không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Các tổ chức tín dụng vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó. Mức góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý.

Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng là vi phạm Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017). Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả là trường hợp của người có thẩm quyền cấp tín dụng đã phát hành, cung ứng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả. Đối với người vay (khách hàng) là đã sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả.

Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép là hành vi kinh doanh trái phép nhưng chỉ giới hạn ở đối tượng kinh doanh là vàng và ngoại tệ. Hành vi kinh doanh vàng và ngoại tệ trái phép khi soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định, vì tội kinh doanh trái phép đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 tạm dừng thi hành, có nhiều ý kiến cho rằng cần quy định hành vi kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép là hành vi phạm tội, vì các hành vi này ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của các tổ chức tín dụng cũng như ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Tại phiên họp các đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 03/4/2016, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 có những quy định không phải là hoạt động ngân hàng mà là hoạt động khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Ví dụ: điểm e khoản 1 quy định “vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần”, điểm g khoản 1 quy định “phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi tên điều luật thành “tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng” để bảo đảm bao quát hết phạm vi quy định trong điều luật này.

Về bổ sung hành vi kinh doanh vàng trái phép, kinh doanh ngoại hối trái phép, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, ngoại tệ hợp pháp (được Nhà nước cho phép), đến nền kinh tế và chức năng điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước…

Thực tiễn thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp lợi dụng kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại tệ để chiếm đoạt tài sản, huy động vốn dẫn đến hậu quả không thể khắc phục, thì cần thiết phải quy định hành vi này để bảo đảm có căn cứ xử lý hình sự khi tội phạm xảy ra. Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, một số hành vi kinh doanh trái phép xét thấy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đáng kể, cần thiết phải xử lý hình sự thì Bộ luật này đã quy định tại các điều luật cụ thể như: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 234 (tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã)…

Mặt khác, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định đây là một trong các lĩnh vực cần phải có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước mới được thực hiện (khoản 17 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ “quản lý Nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng”). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bổ sung hành vi kinh doanh vàng trái phép, kinh doanh ngoại hối trái phép vào Điều 206, nhằm bảo đảm công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình phạm tội.

Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung hành vi kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối trái phép nếu gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100.000.000 đồng trở lên, thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

+ Hoạt động nhận tiền gửi: Theo khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì hoạt động nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Việc nhận tiền gửi được thực hiện liên tục và thường xuyên nhất tại ngân hàng, việc nhận tiền gửi là một trong những hoạt động giúp cho ngân hàng huy động được nguồn tiền, nguồn vốn để duy trì hoạt động khác của ngân hàng.

+ Hoạt động cấp tín dụng: Theo khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì hoạt động cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Đây là hoạt động chủ yếu của ngân hàng, việc cấp tín dụng cho một tổ chức hay cá nhân được phép sử dụng được hiểu như một giao kết qua lại giữa các bên khách hàng và ngân hàng đó.

+ Hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản: Theo khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản được hiểu là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.

+ Hoạt động cho vay: Theo khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì hoạt động cho vay được hiểu là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Nếu tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng là hành vi trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên. Khi xác định hành vi tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, cần phân biệt với hành vi cho vay lãi nặng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự không phải là hoạt động ngân hàng, vì hành vi cho vay lãi nặng không bao gồm việc kinh doanh cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, mà nó chỉ là hành vi cho vay trong quan hệ dân sự.

Hậu quả của tội phạm

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi chưa gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên, thì chưa cấu thành tội phạm theo Điều 206 Bộ luật Hình sự, mà người có hành vi có thể chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định trường hợp nếu gây thiệt hại cho người khác về tài sản dưới 100.000.000 đồng, mà người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính thì cũng cấu thành tội phạm như một số tội phạm khác.

Việc xác định thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên cũng tương tự như việc xác định thiệt hại đối với hành vi phạm tội khác, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng với thiệt hại cho người khác về tài sản. Nếu thiệt hại về tài sản lại do nguyên nhân khác thì không phải là hậu quả của của hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm

Ngoài hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 của điều luật và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là dấu hiệu bắt buộc, nhà làm luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, khi xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm này, nhất là đối với các hành vi khách quan được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 của điều luật, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần căn cứ vào các quy định của Nhà nước về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Các quy định này, có thể là Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhưng cũng có thể chỉ là các thông tư liên tịch, đặc biệt là các thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. 

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý. Bằng nghiệp vụ của mình, người phạm tội cố ý thực hiện các hành vi như: cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng, cấp tín dụng cho các đối tượng bị hạn chế cấp tín dựng, cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng, tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, do đặc điểm của tội phạm này quy định nhiều hành vi khác nhau, nên tùy thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể mà người phạm tội thực hiện tội phạm do cố ý hoặc do vô ý. Ví dụ: Người phạm tội thực hiện hành vi thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, điểm b, điểm d, điểm h, điểm i và điểm k khoản 1 của điều luật là do cố ý, còn các hành vi thuộc các điểm c, đ, e và g là do vô ý.

Ý kiến khác lại cho rằng, người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng đều do vô ý, mặc dù cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả (vô ý vì quá tự tin). Ngay cả trường hợp đối với hành vi cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng thì người phạm tội cũng không mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả xảy ra là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hành vi của người phạm tội cũng tương tự như hành vi vượt đèn đỏ của người tham gia giao thông, họ thực hiện hành vi của mình là do cố ý, nhưng không lường được hậu quả xảy ra.

Có thể còn những ýkiến khác nhau về lỗi của người phạm tội, nhưng dù là cố ý hay vô ý thì cũng không ảnh hưởng đến việc xác định hành vi phạm tội và trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, nếu người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, thì về lý luận sẽ có trường hợp phạm tội chưa đạt, mà đối với tội phạm này nhà làm luật quy định rất rõ hậu quả (thiệt hại) là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nên sẽ không có trường hợp phạm tội chưa đạt hay chuẩn bị phạm tội.

ThS. LS ĐINH VĂN QUẾ

Nguyên Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân Tối Cao

 

mklaw

No Comments

Leave a Comment