8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Kiến thức chung  > Hợp đồng giả cách là gì?

Hợp đồng giả cách là gì?

1. Hợp đồng giả cách là gì?

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể cho hợp đồng giả cách.

Tuy nhiên căn cứ vào cách sử dụng trên thực tế, có thể hiểu hợp đồng giả cách như sau:

Theo Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo như sau:

Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

  1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
  2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Ví dụ: Trong quan hệ vay mượn tài sản, để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay yêu cầu bên vay nợ phải sang tên bất động sản của mình cho bên cho vay, nếu đến thời điểm trả nợ mà bên đi vay không trả được nợ thì bên cho vay có quyền định đoạt bất động sản đó để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.

Hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng dân sự được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác. Hợp đồng giả cách không có giá trị pháp lý, không phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các bên.

2. Hệ quả pháp lý của hợp đồng giả cách?

Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự như sau:

Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Theo đó, điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là việc chủ thể phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, nội dung và mục đích của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức của giao dịch dân sự phải phù hợp với quy định của pháp luật

Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

  1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
  2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

  1. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
  2. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  3. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Như vậy, đối với các loại hợp đồng giả cách sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ quyền lợi của các bên khi tham gia loại hợp đồng này, hợp đồng này bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.

3. Rủi ro cao khi ký hợp đồng giả cách

Thông thường việc các bên xác lập giao dịch dân sự “giả cách” hoặc là do thiếu hiểu biết hoặc là do một trong các bên tham gia giao dịch có ý định từ trước, hoặc bên yếu thế (ví dụ như người cần tiền phải đi vay nóng) biết nhưng do cấp bách hoặc vì một lý do nào khác mà họ vẫn phải tham gia ký kết. Và khi xảy ra tranh chấp thì bên bị thiệt hại thường là bên tham gia giao dịch nhưng không đúng với mục đích, ý chí của họ.

Hiện nay việc “vay nóng” rất thường xảy ra do thủ tục đơn giản và nhanh. Tuy nhiên, đối tượng cho vay thường có sự chuẩn bị, sắp đặt từ trước nên ngay cả việc các bên ký “hợp đồng giả cách” thì bên cho vay cũng cố gắng che đậy các bằng chứng liên quan đến việc vay tiền mà gần như thể hiện bằng giao dịch mua bán nhà đất.

Nếu có tranh chấp mà bên đi vay không chứng minh được giao dịch vay, mượn thì trong trường hợp này tòa án sẽ công nhận giao dịch mua bán nhà đất. Cuối cùng thì người vay thiệt hại.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch, các bên cần tuân thủ quy định của pháp luật hoặc tối thiểu giao dịch cần phải lập thành văn bản, đọc kỹ nội dung và chỉ ký kết khi giao dịch đó phản ảnh đúng nội dung, bản chất của giao dịch.

Trường hợp lỡ ký hợp đồng mua bán nhà đất trong khi đây chỉ là quan hệ vay mượn thì cần thu thập, lưu giữ những thông tin đến việc vay mượn như các bằng chứng trả lãi, thông tin trao đổi với nhau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có tranh chấp.

Nguồn: tổng hợp

Cần hỗ trợ tư vấn vui lòng gọi: 0773 11 22 33 Theo dõi MKLaw tại đây
Gửi email về cho chúng tôi:  lawmk.minhkhanh@gmail.com Fanpage: https://www.facebook.com/MKLawdn

Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Điện thoại: 0773 11 22 33
Email: lawmk.minhkhanh@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/MKLawdn

mklaw

No Comments

Leave a Comment