8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Kiến thức chung  > GÓC NHÌN PHÁP LÝ TỪ VỤ VIỆC CHÓ PITBULL CỦA CON GÁI CẮN CHẾT MẸ RUỘT

GÓC NHÌN PHÁP LÝ TỪ VỤ VIỆC CHÓ PITBULL CỦA CON GÁI CẮN CHẾT MẸ RUỘT

Mới đây, một bi kịch đau lòng đã xảy ra khi con chó pitbull của một cô gái đã tấn công dẫn đến cái chết của mẹ ruột của cô. Vụ việc đáng buồn này đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm pháp lý và sự chịu trách nhiệm sẽ thuộc về ai.

Bài viết này nhằm phân tích các bên liên quan và những hậu quả pháp lý tiềm ẩn mà họ có thể phải đối mặt.

GIỐNG CHÓ PITBULL NGUY HIỂM HƠN CÁC GIỐNG CHÓ KHÁC

Từ xa xưa, người ta luôn xem chó là những loài vật không có lý trí và ý chí, tuy nhiên, có một số giống chó quá hung dữ không thể trở thành bạn đồng hành của con người. Điển hình làchó pitbull – loài chó được xếp số 1 trong danh sách 10 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người. Chúng rất hiếu chiến, có tính gan lì và sở hữu sức mạnh vượt trội to lớn. Chó pitbull đã từng được biết đến như là “sát thủ máu lạnh” với trọng lượng trung bình của chúng dao động từ 30-40kg, chiều cao từ 45-55cm và có hàm răng sắc nhọn. Cấu tạo đặc biệt của cơ hàm pitbull giúp chúng cắn và kẹp chặt mục tiêu, không cho đối phương thoát vì vậy khi nó đã cắn đối thủ thì không dễ buông ra.

Người chủ nuôi những giống chó này thực tế nuôi chúng không phải vì muốn có một người bạn đồng hành, mà hơn hết là để thỏa mãn tính hiếu kỳ và thú vui bạo lực bởi những người bình thường hiếm khi có thể nuôi những loài chó hung dữ như vậy. Đã có trường hợp chó pitbull tấn công chó khác và nhiều người đã phải đánh đấm, dùng gậy đánh, xịt hơi cay, hoặc sử dụng dụng cụ chích điện… mà vẫn không ăn thua. Mãi khi có sự can thiệp của người khác để lôi kéo cản trở chúng, thì mới có thể ngăn được sự tàn ác của loài vật này.

Mặc dù nhận thức được những nguy hiểm đó nhưng một số bộ phận cá biệt nuôi chó ngụy biện cho rằng: “Đó chỉ là tai nạn hy hữu” để biện minh cho sở thích nuôi chó pitbull của mình. Họ thờ ơ, vô cảm trước những cái chết thương tâm, trước nỗi đau, sự ám ảnh của nạn nhân và những người chứng kiến. Từ đây một câu hỏi đặt ra, trong trường hợp chủ nuôi chó không tuân thủ các quy định của pháp luật để chó cắn người gây thương tích cho người khác hoặc thậm chí gây thiệt mạng cho nạn nhân, chủ nuôi sẽ bị xử lý như thế nào? Chúng ta sẽ cùng đi xem xét trách nhiệm pháp lý thông qua tình huống sau:

THẢM KỊCH TỪ NHỮNG THÚ CƯNG

Sự việc xảy ra vào tối ngày (17/5) tại một căn nhà của cụ Đ.T.V, một cụ bà 82 tuổi sống tại phường Bình Thắng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cụ thể, vào khoảng 19h, con gái cụ Tr.T.Th đang dắt chó pitbull nhà nuôi từ trong chuồng ra trước sân để ăn. Trong lúc này, cụ V đang nằm trên võng nói vọng ra đã khiến cho con chó hoảng loạn, ngay lập tức chú chó pitbull bỗng nhiên lao vào nhà cắn xé phần đầu của cụ V. Ngay sau đó, chị Th đã chạy vào lôi kéo con chó, nhưng vì nó quá mạnh và hung dữ nên không thể can ngăn. Cú ngoạm mạnh và chắc khiến cụ V vừa già yếu không có sức lực chống cự hay chạy thoát thân và khoảng 2 phút sau đó cụ V đã tử vong.

Con chó pitbull cắn chết người đã bị nhốt vào trong chuồng.

Luật sư MKLaw – Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho hay: “Đây là một vụ việc hết sức thương tâm, người bị thiệt hại không ai khác chính là chủ nhà bị chính vật nuôi trong nhà của mình tấn công dẫn đến hậu quả chết người xảy ra.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã đặt ra nhiều quy định pháp lý liên quan đến vật nuôi trong trường hợp như vậy. Theo đó, người nuôi chó phải thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi chó nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên gia đình (theo Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Để đảm bảo an toàn cho chủ nuôi và những người xung quanh, pháp luật quy định rằng: Chủ nuôi phải đeo rọ mõm cho chó và xích chó khi ra đường. Khi chó được đưa ra nơi công cộng, chủ nuôi phải đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích chó và có người dắt. Nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP và điểm a, điểm b khoản 5 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn nêu rõ, việc không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Trong trường hợp chủ nuôi vô ý để chó cắn người nhưng hậu quả nạn nhân chưa thiệt mạng, thương tích chưa tới 31% thì chủ nuôi phải bồi thường theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015, kể cả trường hợp chủ nuôi không có lỗi.

Quá trình bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại. Mức bồi thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể, việc bồi thường do hai bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp chủ nuôi không tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn với chó mèo (như không xích, nhốt, không đeo rọ mõm, không tiêm phòng…) dẫn đến chó mèo tấn công gây thương tích cho người khác đến 31% hoặc gây tử vong thì chủ nuôi sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích (nếu nạn nhân bị thương tích) hoặc tội vô ý làm chết người (nếu hậu quả nạn nhân thiệt mạng).

Trong trường hợp hậu quả nạn nhân bị chó, mèo cắn tử vong, chủ nuôi chó, mèo sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trong trường hợp chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Quay lại tình huống ta thấy chính người con gái đã dắt chó ra khỏi chuồng để ăn tối, sự việc diễn ra trong không gian và thời gian nằm bên trong ngôi nhà của chính chủ vật nuôi, không phải tại một nơi đông đúc với sự đi lại của nhiều người. Tuy nhiên, có một tình tiết đáng lưu ý đó chính là tiếng người mẹ vọng ra đã làm cho con chó hoảng loạn và chạy xông vào nhà cắn nát phần đầu. Với người phụ nữ đã cao tuổi (82 tuổi) thì làm sao có thể phát ra giọng nói lớn đến độ khiến tâm lý của con chó bị kích động đến vậy.

 Do đó, để xử lý trách nhiệm hình sự chủ vật nuôi trong vụ việc này thì cơ quan điều tra cần phải đánh giá toàn diện tính chất, mức độ và động cơ của chủ vật nuôi để đưa ra được những quyết định và án phạt hợp lý nhất bởi mỗi vụ việc chó cắn người lại có những hoàn cảnh, nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên trong vụ việc này chủ vật nuôi và nạn nhân sống trong cùng một gia đình nên cơ quan chức năng sẽ thận trọng xem xét đánh giá để quyết định hướng xử lý sao cho có tình, có lý, đúng quy định của pháp luật. 

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc chó pitbull cắn chết người, bởi vậy tôi cho rằng người dân nên hạn chế nuôi những loài chó có bản tính hung dữ như vậy. Ngoài ra, cần có những quy định chặt chẽ và mạnh tay hơn trong Bộ luật hình sự về việc chủ nuôi để vật nuôi tấn công người khác.”, luật sư MKLaw kiến nghị.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê từ hệ thống kênh truyền hình National Geographic Mỹ, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2015, đã có 232 người Mỹ mất mạng do bị tấn công bởi chó pitbull (tức là trung bình mỗi 17 ngày lại có một trường hợp tử vong do tấn công của chó pitbull). Các sự việc đáng tiếc này đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt lệnh cấm nuôi giống chó này. Ít nhất, đã có hơn 20 quốc gia như Pháp, Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Romania, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Israel, Singapore và một số vùng lãnh thổ trong các quốc gia như Úc, Áo, Bỉ, Brazil, Trung Quốc, Canada, Nhật Bản đã áp đặt lệnh cấm nuôi các giống chó nguy hiểm và hung dữ này.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn chưa có bất kỳ những quy định cấm nuôi chó pitbull như vậy. Hy vọng thời gian tới đây, các cơ quan chức năng nên xem xét siết chặt tục nuôi chó mèo thậm chí ban hành những quy định cấm nuôi những chủng loại chó gây nguy hiểm cho con người, đồng thời tăng án phạt đối với chủ do vật nuôi gây ra. Như vậy, mọi người mới có trách nhiệm, không vì sở thích của bản thân mà gây hại cho người khác; từ đó loại bỏ những nguy cơ và nguy hiểm tiềm ẩn cho cộng đồng từ loài chó này.

Tác giả: Trạng Tư.
Thông tin liên hệ: MKLaw
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, P.Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Điện thoại: 0773 11 22 33
Email: lawmk.minhkhanh@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/MKLawdn

 

 

 

mklaw

No Comments

Leave a Comment