8:00-17:30
0773 11 22 33
Search Menu
 
 > Kiến thức pháp lý  > Kiến thức chung  > Có được công chứng hợp đồng ngoài trụ sở của Văn phòng công chứng?

Có được công chứng hợp đồng ngoài trụ sở của Văn phòng công chứng?

1. Công chứng hợp đồng ngoài trụ sở của Văn phòng công chứng có được không?

Tại Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 quy định về địa điểm công chứng. Cụ thể như sau:

Điều 44. Địa điểm công chứng

1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Như vậy, bạn phải thuộc một trong những trường hợp dưới đây mới được phép thực hiện công chứng ngoài trụ sở, nếu không thuộc những trường hợp này thì việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng:

– Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được.

– Người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù.

– Người có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có bắt buộc phải công chứng, chứng thực không?

Ảnh minh họa

2. Trường hợp vi phạm về công chứng ngoài trụ sở công chứng thì bị xử lý vi phạm như thế nào?

Tại mục 1 đã phân tích rõ trừ 03 trường hợp được phép công chứng ngoài trụ sở, thì đối với những trường hợp khác, việc công chứng này phải được thực hiện tại trụ sở công chứng. Nếu công chứng viên thực hiện công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định thì bị sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 – 7.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, mức phạt tiền này được áp dụng với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (căn cứ vào khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP), tức là bị phạt tiền từ 6.000.000 – 14.000.000 đồng.

3. Phí công chứng bao gồm những gì?

Người yêu cầu công chứng phải trả phí công chứng theo quy định tại Điều 66 Luật Công chứng năm 2014 như sau:

– Phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng.

Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.

– Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chi phí của việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng được quy định như sau:

– Trường hợp người yêu cầu công chứng đề nghị xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì người yêu cầu công chứng phải trả chi phí để thực hiện việc đó.

– Mức chi phí do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận. Tổ chức hành nghề công chứng không được thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận.

(Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Công chứng năm 2014).

4. Khi nào người yêu cầu công chứng phải trả thù lao?

Thù lao công chứng được quy định tại Điều 67 Luật Công chứng năm 2014 như sau:

– Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương.

Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình.

Tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về thù lao công chứng.

Như vậy, mức thù lao được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết, nếu người công chứng yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng thì phải trả khoản thù lao này.

Nguồn: Thư viện pháp luật    
Thông tin liên hệ: MKLaw
Địa chỉ: 177 Trưng Nữ Vương, P.Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Điện thoại: 0773 11 22 33
Email: lawmk.minhkhanh@gmail.com 
Fanpage: https://www.facebook.com/MKLawdn

 

mklaw

No Comments

Leave a Comment