02 mốc thời gian liên quan đến tiền lương cán bộ, công chức sắp tới
Mục Lục Bài Viết
TVPL – Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về 02 mốc thời gian liên quan đến tiền lương cán bộ, công chức sắp tới.
1. 02 mốc thời gian liên quan đến tiền lương cán bộ, công chức sắp tới
– Năm 2025:
Theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, hiện nay mức lương cơ sở đang là 2,34 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, Nghị định 73/2024/NĐ-CP cũng quy định Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở sau khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, theo tinh thần của Kết luận 83-KL/TW năm 2024, sau năm 2026 nếu hoàn thiện hệ thống danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và sau khi nghiên cứu đánh giá sự phù hợp thì Trung ương sẽ xem xét cải cách toàn diện chính sách tiền lương.
Bộ Chính trị cũng nêu rõ, thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các chính sách có liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.
Do đó, nếu trong năm 2025, khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo thì rất có thể năm 2025 sẽ chưa thực hiện cải cách tiền lương.
Riêng việc có tăng lương cơ sở hay không thì hiện chưa có thông tin cụ thể về vấn đề này. Nếu khả năng ngân sách Nhà nước có thể thực hiện tăng lương thì rất có thể, cán bộ, công chức sẽ tiếp tục được tăng lương trong năm 2025.
Do đó, cần chờ bước sang 2025, khi Nhà nước có chính sách mới liên quan đến chính sách tiền lương, cán bộ, công chức mới có thể biết chính xác liệu năm 2025 có tăng lương cơ sở nữa không.
Đồng thời, từ ngày 01/01/2025, quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước theo đúng nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp.
– Từ sau năm 2026:
Cụ thể, tại Kết luận 83-KL/TW năm 2024 Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Như vậy, rất có thể sau năm 2026, nước ta sẽ thực hiện cải cách tiền lương cho khu vực công.
Theo đó, sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
2. Những nội dung chính sách cải cách tiền lương đã được thực hiện
Căn cứ Kết luận 83-KL/TW năm 2024, những nội dung cải cách đã thực hiện được bao gồm:
(1) Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2024, tương ứng mức tăng lương cơ sở là 30% so với trước tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP.
Do đó, mặc dù chưa cải cách tiền lương nhưng thu nhập của cán bộ, công chức vẫn tăng thêm 30% so với trước đây.
(2) Thực hiện chế độ tiền thưởng: từ ngày 01/7/2024 quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, cán bộ, công chức sẽ được thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.
Chế độ tiền thưởng cụ thể sẽ được xây dựng trong Quy chế của cơ quan, đơn vị áp dụng với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị mình, gồm các nội dung:
– Phạm vi và đối tượng áp dụng;
– Tiêu chí thưởng theo thành tích công tác đột xuất và theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người hưởng lương trong cơ quan, đơn vị;
– Mức tiền thưởng cụ thể đối với từng trường hợp, không nhất thiết phải gắn với mức lương theo hệ số lương của từng người;
– Quy trình, thủ tục xét thưởng;
– Các quy định khác theo yêu cầu quản lý của cơ quan, đơn vị (nếu cần thiết).
(3) Hoàn thiện chế độ nâng lương phù hợp với việc chuyển đổi quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
(4) Quy định rõ 05 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương:
- Từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang.
- Từ nguồn ngân sách trung ương.
- Từ một phần nguồn thu sự nghiệp.
- Từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên.
- Từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.
Những nội dung này được Bộ Tài chính quy định chi tiết tại Thông tư 62/2024/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
3. 05 bảng lương mới theo vị trí việc làm khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27
Tại điểm b khoản 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:
– Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc:
+ Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;
+ Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
– Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:
Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
– Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:
+ 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
+ 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
+ 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
𝐌𝐊𝐋𝐀𝐖
𝟙𝟟𝟟 𝕋𝕣𝕦̛𝕟𝕘 ℕ𝕦̛̃ 𝕍𝕦̛𝕠̛𝕟𝕘, 𝔻𝕒 ℕ𝕒𝕟𝕘, 𝕍𝕚𝕖𝕥𝕟𝕒𝕞
+̲8̲4̲ ̲7̲7̲ ̲3̲1̲1̲ ̲2̲2̲3̲3̲
lawmk.minhkhanh@gmail.com / mklawdn@gmail.com
𝒎𝒌𝒍𝒂𝒘.𝒄𝒐𝒎.𝒗𝒏